
Đặc điểm chung
Bương lông điện biên có tên khoa học là Dendrocalamus dienbienensis, Thuộc lớp một lá mầm (Monotyledoneae), bộ Cỏ (Poales), họ Cỏ (Poaceae), họ phụ tre trúc (Bambusoideae).
Tên Việt Nam: Bương lông điện biên, Bương lớn; Mạy Púa mơi.
Đặc điểm hình thái
Rễ được mọc ra từ gốc thân khí sinh và những đốt trên thân ngầm, những rễ này được gọi là rễ chính (rễ cái), rễ khí sinh trên các vòng mo và gốc cành thường nhỏ hơn và ngắn hơn. Tại gốc của thân khí sinh rễ mọc ra rất nhiều dưới dạng chùm, phân bố thành mạng lưới dày đặc quanh gốc khí sinh và sát mặt đất. Rễ mọc ra từ các đốt thân ngầm cũng nhiều và dài quấn quanh gốc khí sinh.
Bương lông điện biên là loài có thân ngầm dạng củ, mọc cụm, chiều dài của
thân ngầm dài từ 40cm đến 70cm, kể từ cổ thân ngầm tới đốt gốc đầu tiên của
thân khí sinh. Thân ngầm được chia nhiều đốt, các đốt dài từ 2 - 8 cm, đường kính thân ngầm bình quân 18 - 30 cm, ở xung quanh mỗi đốt có mang vòng rễ bao bọc. Thân ngầm có xu hướng bò sâu xuống lòng đất.
Mỗi gốc thân ngầm có 2 hàng mắt ngủ, mỗi hàng có 2 - 3 mắt ngủ từ mắt này đâm mầm sinh ra thân ngầm mới và sinh ra măng rồi phát triển thành thân khí sinh, tuy nhiên thông thường một thân ngầm chỉ sinh ra từ 1 - 2 thân ngầm khác (một cây mẹ chỉ có 1 hoặc 2 măng), rất ít trường hợp thấy xuất hiện sinh ra 3 măng, còn từ 4 măng trở lên thì trong quá trình điều tra đề tài chưa gặp.
Thân khí sinh của Bương lông điện biên chia làm nhiều đốt; lóng thân
rỗng, hình trụ, thẳng, đoạn gốc thân có hình bầu dục không tròn và mọc thành bụi. Trên lóng có vòng mo nổi rõ, vòng thân rõ và có 2 vòng phấn nổi rõ. Đốt lóng hơi phình ra. Cây thường phân cành ở những đốt từ khoảng 2/3 chiều cao thân cây lên phía ngọn. Ở đoạn thân có chiều cao dưới cành 5 - 8 m, cành chính ít phát triển. Ở thân cây non: Lúc đầu có phủ 1 lớp phấn trắng, sau đó có nhiều lông màu hung đỏ tập trung nhiều 2 đầu lóng, phía sát vòng mo ở giữa lóng có số lượng lông ít hơn. Ở thân cây già: Khi già các lóng có nhiều rêu xanh và có địa y màu trắng hình đốm tròn loang lổ bám xung quanh.
Thân khí sinh chia nhiều lóng giới hạn bởi các đốt, trên các đốt có mắt mầm. Các lóng ở giữa thân thường dài hơn các lóng ở phía gốc và ngọn; lúc non phủ dày phấn trắng; ở đốt có một dải lông tơ màu nâu rộng 3 - 4 cm. Những lóng ở phía sát gốc có chiều dài ngắn hơn so với các lóng phía trên. Từ lóng 5 - 25 thường có sự chênh lệch ít về chiều dài lóng và đường kính lóng. Từ lóng thứ 26 trở đi, đường kính lóng có xu hướng giảm dần về phía ngọn cây. Đối với cây trưởng thành số lóng trên thân khí sinh từ 45 - 60 lóng.
Trên mỗi cành thường có 7-15 lá, một số cành có 15-17 lá. Lá thường xếp
thành mặt phẳng, lá Bương lông điện biên ít rụng và thường xanh quanh năm. Cuống lá dài 0,5 - 1,2 cm. Lưỡi lá cao 0,5- 0,8 cm, hình gợn sóng. Phiến lá quang hợp có hình trái xoan dài, đầu lá nhọn dần, đuôi lá gần tròn, có một gân chính nổi rõ, ở mặt trên lá xanh đậm, đốm chấm màu rỉ sắt khắp lá, mặt sau màu xanh nhạt, có đốm màu rỉ sắt, mép lá có răng cưa nhỏ. Có 7- 21 đôi gân phụ song song. Lá là một trong ba chỉ tiêu quan trọng của cây, là cơ quan giúp cho cây quang hợp, tổng hợp chất hữu cơ từ các chất vô cơ đơn giản giúp cung cấp các chất dinh dưỡng cho cây để cây sinh trưởng, phát triển tốt.
Mo Bương lông điện biên cứng có kích thước lớn, hình dáng cân. Mép mo cuộn, mặt trên phiến mo có lông màu hung nâu, mặt bụng của mo không lông ôm lấy thân khí sinh. Lưỡi mo nhô cao, có răng cưa; tai mo hai mặt phủ lông mềm, thưa và gần như không lông; ở những đốt chưa phân cành mo rụng sớm. Phiến mo thẳng nổi khá rõ những đường gân song song, cứng dày. Bương lông điện biên là cây xanh quanh năm, không có mùa rụng lá rõ rệt. Khi cây ra hoa cành mang hoa không lá, không lông, hình dạng ống tròn, cụm hoa hình chùy, cỡ lớn, màu nâu. Lóng cành dạng ống tròn, màu xanh, không có lông, chiều dài lóng cành 6- 9 cm. Mỗi đốt cành hoa đính một hoặc nhiều bông nhỏ (5 - 6 bông nhỏ), hoa hơi dẹt, dài 1,5 - 2,0 cm,
rộng 0,7 cm. Hoa nhỏ không có lông, mầu nâu nhạt. Chỉ nhị dài 1,5 - 3,0 cm, tách rời nhau, màu trắng đục. Bao phấn hình hạt đỗ, dài 7 - 15 mm, màu vàng sẫm. Vòi nhị ống tròn, dài 3 - 3,5 cm, nằm giữa các chỉ nhị màu trắng đục.
Sinh thái và phân bố
Đặc điểm sinh thái ở khu vực Điện Biên và Phú Thọ thuận lợi cho hoạt động trồng rừng nói chung và phát triển cây Bương lông nói riêng. Về vùng sinh thái cho thấy loài cây Bương lông điện biên đều sinh trưởng và phát triển được cả 2 khu vực Điện Biên và Phú Thọ. Tuy nhiên cây trồng ở khu vực Điện Biên sinh trưởng về chiều cao và đường kính tốt hơn ở khu vực Phú Thọ. Cây Bương sống được ở những cấp lập địa dốc cao trung bình (15 - 250) đến độ dốc mạnh (> 25 - 300). Về độ cao, cây Bương lông sống được ở dải độ cao tương đối lớn, trong khu vực Điện Biên người dân trồng Bương lông từ độ cao 835m lên đến 985 m, ở Phú Thọ được trồng ở độ cao 150 m so với mực nước biển. Lượng mưa trung bình trong năm thuận lợi cho cây trồng từ 1.300- 2.300 mm. Về đất tại khu vực Điện Biên và Phú Thọ nơi có cây Bương lông điện biên sinh trưởng và phát triển độ PH chua, đất có thành phần cơ giới đất thịt trung bình, hàm lượng mùn và đạm từ mức nghèo đến giàu.
Về quan hệ khác loài, cây Bương lông có quan hệ gần gũi với các loài thuộc lớp cây gỗ, cây bụi, và thảm tươi trong các rừng trồng cây Bương lông điện biên. Như vậy, có thể sơ bộ kết luận rằng cây Bương lông điện biên là một loài cây khá dễ tính, các yêu cầu sinh thái không quá khắt khe và thực hiện được trong điều kiện nhân tạo, do vậy việc thuần hóa cây Bương lông điện biên là hoàn toàn khả quan.
Phân bố ở Điện Biên, có trồng tại Phú Thọ.
Giá trị sử dụng
Thân Bương lông Điện Biên to, dài ngâm để làm nhà, sử dụng làm sàn nhà hoặc làm máng dẫn nước. Lá Bương lông điện biên dùng để gói các loại bánh cổ truyền hoặc làm thức ăn chăn nuôi trâu bò. Măng Bương lông điện biên to, ngon, dùng ăn tươi, phơi khô hoặc ủ măng chua. Một bụi Bương lông điện biên một năm có thể thu được 10 – 15 măng, trọng lượng măng có thể đạt tới 100kg măng tươi/bụi/năm. Cành và củ (thân ngầm) Bương lông điện biên được dùng để làm củi đốt hoặc làm rào tạm. Cá biệt có gia đình sử dụng củ (thân ngầm) cây Bương lông điện biên để chăn nuôi dúi.
Nhân giống
Người dân ở huyện Điện Biên chủ yếu tạo giống cây Bương lông điện biên bằng giống gốc; gốc làm giống có tuổi từ 9 - 12 tháng tuổi. Thời vụ trồng, nên trồng vào mùa xuân từ tháng 1 - 3, cũng có thể trồng vào tháng 4 những ngày dâm, mát. Mật độ trồng Bương lông điện biên dao động từ 125 – 210 bụi/ha. Xử lý thực bì chủ yếu toàn diện, có một số hộ dân xử lý thực bì cục bộ theo hố. Cách đào hố thủ công, kích thước hố chủ yếu 50 x 50 x 50 cm hoặc 60 x 60 x 60 cm. Số lần chăm sóc 1- 2 lần/năm sau khi trồng, biện pháp chăm sóc là dọn cỏ, vun đất quanh gốc trong 3 năm đầu. Đây là những kiến thức, kinh nghiệm có tính thực thi cao vì nó kế thừa những tri thức bản địa đã được tích lũy nhiều năm trong quá trình gây trồng và sử dụng loài cây Bương lông điện biên.




