
Tên Việt Nam: Giang Bắc Bộ
Tên khoa hoc: Maclurochloa tonkinensis sp.nov.
Chi: Giang (Maclurochioa)
Giang là loài mọc cụm, thân nhỏ, không gai, lá vừa, thưa cây, thân Khí sinh bám vào các thân cây xung quanh, sống gần như leo.
Cây có kích thước trung bình. Thân Giang dài tới 15m hay hơn, đường kính 3-5cm, lóng dài 50-58cm, vách thân dày 0,8cm. Thân tròn đều, nhắn, thân cây non có màu xanh, thân cây già mầu xanh thẫm. Trên và dưới đốt thân có vòng lông trắng mịn. Phương thức phân cành rất đặc trưng đó là từ thân chính bắt nguồn một số cành có kích thước tương tự thân chính. Nhiều cành nhỏ mọc từ nhiều gốc trên đốt thân.
Bẹ mo hình thang cân, mo cao 20-21cm, đáy lớn rộng 13cm, đáy bé rộng 6cm. Phiến mo hình mũi giáo ngắn, dài 11cm, rộng 6cm.
Phiến lá hình ngọn giáo thuôn, đầu nhọn, đuôi tù, mặt trên xanh đậm, mặt dưới xanh nhạt, dài 26-28cm, rộng 3,4-3,9cm. Gân lá 9 đôi. Lưỡi lá cao 0,1cm. Bẹ lá có túm lông trắng, rụng sớm. Bẹ lá nhẵn, tai lá không đều nhau; tai trái lớn hơn, dài 0,3cm, rộng 0,1cm; tai phải dài 0,2cm, rộng 0,1cm. Tai lá mang 8 lông dài từ 0,6-0,8cm. Lông tai phải ngắn hơn, dài 0,4-0,5cm. Cuống lá dài 0,4cm, rộng 0,3cm.
Thường gặp Giang ở độ cao 100-700 m so với mực nước biển. Giang thường xuất hiện sau nương rẫy, dưới tán rừng thứ sinh, mọc lẫn với cây gỗ hoặc Nứa, Vầu; thường mọc thành đám. Thân cây — thường đổ ngã lên nhau nên khó đi lại và cản trở công tác trồng lại rừng. Đầu năm 2005, Giang ở Cầu Hai và Thanh Sơn (Phú Thọ) ra hoa.
Người dân thường dùng Giang để chẻ lạt, đan hàng thủ công mỹ nghệ và đồ dùng hàng ngày vì giang khá dẻo, đặc biệt là làm lạt gói bánh chưng, một sản phẩm đặc trưng không thể thiếu cho ngày Tết của Việt Nam. Măng trắng và rất mềm, ăn ngon và ngọt, được nhiều người ưa chuộng.
Giang là loài tre mọc cụm trong rừng tự nhiên ở các tỉnh từ Thừa Thiên Huế trở ra, có nhiều ở vùng Trung tâm Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ.

Hình 1- Giang Bắc Bộ - Bụi Toàn thân

Hình 2 - Giang Bắc Bộ - lá

Hình 3 - Giang Bắc Bộ - Mo