Le long hải (Gigantochloa parvifolia)

Tên thông thường: Le lá nhỏ.

Tên khoa học: Gigantochloa parvifolia (Brandis ex Gamble)

 Mô tả: Thân ngầm mọc cụm. Thân khí sinh thẳng, cao 5 – 6 m, thân hơi chữ chi, đặc ruột. Lóng dài 25 – 30 x 3,0 – 4,0 cm. Thân già có nhiều sọc trắng, một cành to và nhiều cành nhỏ. Phần ngọn có dạng nhiều cành nhỏ. Mo thân dày, cứng, phiến mo sớm rụng. Bẹ mo to, cứng, kích thước 16 – 18 x 14 – 16 cm, mặt ngoài nhiều lông màu đen, nằm. Phiến mo ngửa, dạng tam giác, dài, có mũi nhọn, 5 – 7 x 1,5 – 2 cm; đáy hẹp 2 – 2,5 cm, không lông. Lưỡi mo thấp, không khía răng, không có rìa lông, cao 0,1 cm. Tai mo thấp, dạng lõm. Mo thân ở ngọn màu xanh khi non. Phiến lá dài hẹp có kích thước 15 – 17 x 2 – 3 cm. Gốc lá hình nêm, mũi nhọn. Gân lá 17. Cuống lá 0,1 cm. Lưỡi lá thấp 0,05 cm, không có rìa lông. Cụm hoa giả thưa mọc ở đốt cành không mang lá, hoa giả dài 0,9 – 1 cm, màu xanh lá. Cụm hoa giả mang 10 – 20 hoa. Mày nhỏ 3 – 4, màu trắng, kích thước 0,4 – 0,6 x 0,3 – 0,2 cm, mũi rất ngắn. Hoa chét mang 2 hoa gồm có 1 hoa hữu thụ và 1 hoa bất thụ, không lông. Mày nhỏ ngoài 0,9 x 0,5 cm. Mày nhỏ trong có dạng 2 cánh thuyền, kích thước 0,7 x 0,1 cm. Nhị 6, chỉ nhị hợp thành ống, nhị dài 0,5 cm; đỉnh có gai nhỏ, mép có lông ngắn. Bầu nhụy có lông, vòi nhụy 1,0 cm, đầu nhụy 1, dài 0,5 cm, có rìa lông trắng. Quả thóc. Sinh thái và phân bố: Rừng kín thường xanh mưa ẩm nhiệt đới, kiểu phụ thứ sinh nhân tác, rừng thứ sinh, thung lũng hoặc ven suối ở độ cao 600 – 800 m. Được ghi nhận ở huyện Chư Mom Rây (Kon Tum), Đức Trọng, Di Linh (Lâm Đồng). Công dụng: Măng được dùng làm thực phẩm.

Hình 1 - Le Long hải - Đà Nẵng

Hình 2 - Le long hải - thân

Hình 3 - Le long hải - bụi

Hình 4 - Le long hải - đốt, thân

Hình 5 - Le long hải - thân mo