Lồ ô (Bambusa balcoa)

Tên Việt Nam: Lồ ô Lắk/ lồ ô

Tên khoa hoc: Bambusa balcoa

Chi: Tre (Bambusa)

Lồ ô là loài tre thân mọc cụm, kiểu hợp trục. Nhưng lồ ô không có hiện tượng nâng bụi như nhiều loại tre thân mọc cụm khác, vì sau khi măng mọc ra khỏi thân ngầm, nó không đâm lên khỏi mặt đất ngay, mà mọc dài thêm một đoạn theo hướng đâm hơi sâu xuống đất bằng 2/3 đến ¾ toàn bộ độ dài của thân ngầm mới, sau đó măng lồ ô mới đâm lên khỏi mặt đất. Cho nên, ở bụi lồ ô, cây mọc trong bụi cách nhau tương đối thưa, không dày đặc như luồng, hoặc các cây bụi mọc xen nhau rất dày đặc như tre gai… Thân và cành lồ ô không có gai (Nguyễn Ngọc Bình và Phạm Đức Tuấn, 2007).

Thân lồ ô tròn đều, nhẵn, bên ngoài phủ một lớp lông trắng mịn màu xám bạc, màu nâu. Cây tre lồ ô có nhiều đốt hơn những giống tre thông thường đây cũng là một đặc điểm nhận của của cây lồ ô. Mỗi đốt sẽ đạt chiều dài từ 80-90cm, vách thân dày khoảng 1.1cm. Thân lồ ô non sẽ có màu xanh bạc về già sẽ chuyển sang màu xanh lục. Trên thân cây tre lồ ô cũng có rất nhiều cành, chiều dài trung bình là 2 đến 3m.

Các loại tre có phần lá khá giống nhau và cây lồ ô cũng vậy. Phiến lá dài, thon có chiều dài 20-30cm, rộng từ 2-4cm. Phần đầu khá nhọn và sẽ thuôn dần về phần đuôi. Lá cây tre tầm vông có 1 gân chính nằm ở giữa và nhiều gân phụ nằm song song với nhau.

Bẹ mo cây tre lô ô sẽ có hình dạng giống hình thang cân, đáy rộng 20-30cm. Phần đầu của bẹ mo rộng 5-8cm hơi lõm, chiều cao trung bình bẹ mo là 20-30cm. Bên ngoài bẹ mo sẽ phủ một lớp lông mịn màu nâu, rất ngứa khi chạm tay vào. Mặt trong bẹ mo nhẵn mịn và bóng. Tai bẹ mo không phát triển, lưới mo xẻ sâu. Mo được hình thành bởi măng luồng.

Lồ ô chỉ nở hoa một lần duy nhất vào cuối cuộc đời. Hoa lồ ô sẽ nở thành từng cụm và phân tán ở nhiều nhanh. Mỗi nhanh sẽ có từ 3 đến 5 bông nhỏ nhọn đầu, hơi đẹt, hoa cây lô ô có màu xanh vàng hoặc màu tím, hoa dài 1-2cm, rộng 5-8mm. Hoa lưỡng tính sẽ nằm ở giữa, có nhuỵ rời, nhuỵ có 2 vòi. Hoa trường nằm ở trên phần ngọn hay dưới phần gốc phát triển không đầy đủ.

Phân bố tại các khu vực có khí hậu nhiệt đới và á nhiệt đới Châu Á, đặc biệt ở vùng nhiệt đới ẩm gió mùa, phần lớn được gây trồng (Nghĩa, 2005).

Trong tự nhiên, các rừng lồ ô phân bố tập trung ở miền Nam Việt Nam: Tây Ninh, Bình Phước, Sông Bé, Đồng Nai (miền Đông Nam Bộ), Bình Thuận, Ninh Thuận (Nam Trung Bộ), Lâm Đồng, Đắk Lắk, Gia Lai, Kon Tum (Tây Nguyên) (Nguyễn Ngọc Bình và Phạm Đức Tuấn, 2007). Song do khai thác lạm dụng làm nguyên liệu, do đốt nương làm rẫy mà hiện nay diện tích rừng Lồ ô chỉ còn lại chủ yếu ở Lâm Đồng. Các tỉnh khác như Bình Dương, Bình Phước, Đồng Nai đã từng có nhiều Lồ ô, mà bây giờ khó tìm được một diện tích lớn (Nguyễn Hoàng Nghĩa, 2009).

Lồ ô được sử dụng để làm nhà, làm hàng rào, làm nguyên liệu để sản xuất đồ mỹ nghệ thủ công như đan gùi; Lấy măng tre về làm thực phẩm; là nguyên liệu để sản xuất giấy (Nguyễn Ngọc Bình và Phạm Đức Tuấn, 2007).  

Lồ ô trong rừng tự nhiên có vai trò quan trọng chống xói mòn đất, bảo vệ độ phì cảu đất và tăng cường nguồn tài nguyên nước ngầm (Nguyễn Ngọc Bình và Phạm Đức Tuấn, 2007).

Trong cuộc sống hàng ngày, nhiều vật dụng của bà con như gùi, cán rựa, kèn, sáo, vật đựng nước đều được làm từ cây lồ ô. Và độc đáo hơn cả đồng bào ở đây còn dùng để chế biến nhiều món ăn hấp dẫn.

Được tìm thấy ở nhiều địa phương ở Tây Nguyên (Dak Lak, Đăk Nông) và Bình Phước.

Hình 1. Lồ Ô (Bù Gia Mập) - bụi toàn cây

Hình 2. Lồ Ô (Bù Gia Mập) - Gốc

Hình 3. Lồ Ô (Bù Gia Mập) - lóng thân

Hình 4. Lồ Ô (Bù Gia Mập) - Mo