Tre Lóng Dài (Bambusa sp.19)

Tên Việt Nam: Tre lóng dài/ Tre gai lóng dài, Kram lược (tre ruột giấy)

Tên khoa hoc: Bambusa sp19

Chi: Tre (Bambusa)

Tre lóng dài là loài cây mọc cụm dày, thân có chiều cao 15-18m, đường kính thân đạt 8-10cm, vách thân dày 2-2,2cm, lóng dài 30-40cm, có hình dáng và kích thự: giống như tre gai, song ở phần trên của cây, các lóng thường dài hơn tre gai và rất dễ nhận biết nhờ điều này. Các cành ở đoạn thân dưới có nhiều gai nhọn sắc. Thường một cành to và hai cành nhỏ mọc ra từ mỗi đốt thân. Thân và cành có màu xanh, thân già có rễ ở các đốt gần gốc.

Mo thân hình tam giác, có lông màu đen thưa ở nửa phía trên. Bẹ mo có đáy dưới rộng 27-29cm, cao 17-18cm; đáy trên rộng 5,5-6cm, hơi lõm ở hai vai, mép và giữa hơi nhô cao. Phiến mo hình tam giác, đáy rộng 3cm, cao 4cm, đầu nhọn, đáy bằng và hơi lõm. Tai mo cao 0,1-0,2cm, rộng 1,5-1,6cm, uốn cong ra phía ngoài, có lông cứng thưa dài đến 0,5cm. Lưỡi mo cao đến 0,4cm, có lông dày dài đến 0,4cm.

Lá hình nêm. Phiến lá dài 16-18cm, rộng 1,5-2,5cm. Đáy tròn hay tù, gân lá 5-7 đôi. Lưỡi lá cao đến 0,1cm, có lông thưa dài đến 0,2cm. Bẹ lá có lông thưa đứng. Tai lá nhỏ có lông thưa dài đến 0,3cm. Cuống lá có kích thước 0,1 x 0,3cm.

Tre lóng dài được nhân dân địa phương trồng nhiều ở khu vực xóm Nhỏ, xã Nhơn Hoà, Chư Sê, Gia Lai và được sử dụng cho đan lát và đồ gia dụng khác. Đồng bào địa phương gọi loài là Kram lược, tức là tre ruột giấy vì có thể dùng tay để bóc ruột của lóng thân ra và nó giống như sợi giấy. Đây là đặc điểm để phân biệt với loài tre gai mà đồn bào gọi là Kram tung. Do vùng phân bố tự nhiên bị sử dụng cho canh tác cây nông nghiệp nên số lượng cây không còn nhiều.

Tre lóng dài được nhân dân địa phương trồng nhiều ở khu vực xóm Nhỏ, xã Nhơn Hoà, Chư Sê, Gia Lai